Sinh học Cacbon điôxít

Cacbon điôxít là sản phẩm cuối cùng trong cơ thể sinh vật có sự tích lũy năng lượng từ việc phân hủy đường hay chất béo với ôxy như là một phần của sự trao đổi chất của chúng, trong một quá trình được biết đến như là sự hô hấp của tế bào. Nó bao gồm tất cả các loài thực vật, động vật, nhiều loại nấm và một số vi khuẩn. Trong các động vật bậc cao, cacbon điôxít di chuyển trong máu từ các mô của cơ thể tới phổi và ở đây nó bị thải ra ngoài.

Hàm lượng cacbon điôxít trong không khí trong lành là khoảng 0,04%, và trong không khí bị thải ra từ sự thở là khoảng 4,5%. Khi thở trong không khí với nồng độ cao (khoảng 5% theo thể tích), nó là độc hại đối với con người và các động vật khác.

Hemoglobin, phân tử chuyên chở ôxy chính trong hồng cầu, có thể chở cả ôxy và cacbon điôxít, mặc dù theo các cách thức hoàn toàn khác nhau. Sự suy giảm liên kết với ôxy trong máu do sự tăng mức cacbon điôxít được biết đến như là hiệu ứng Haldane, và nó là quan trọng trong việc vận chuyển cacbon điôxít từ các mô tới phổi. Ngược lại, sự tăng áp suất thành phần của CO2 hay pH thấp hơn sẽ sinh ra sự rút bớt ôxy từ hemoglobin. Hiệu ứng này gọi là hiệu ứng Bohr.

Theo nghiên cứu của USDA , sự thở của một người trung bình mỗi ngày sinh ra khoảng 450 lít (khoảng 900 gam) cacbon điôxít.

CO2 được vận chuyển trong máu theo ba cách khác nhau. Phần lớn trong chúng (khoảng 80%–90%) được các enzym cacbonic anhyđraz chuyển hóa thành các ion bicacbonat HCO3− trong các tế bào hồng cầu. 5%–10% được hòa tan trong huyết tương và 5%–10% liên kết với hemoglobin thành các hợp chất cacbamin. Phần trăm chính xác phụ thuộc vào đó là máu ở động mạch hay tĩnh mạch.

Hemoglobin liên kết với CO2 không giống như liên kết với ôxy; CO2 liên kết với các nhóm chứa N trên 4 chuỗi globin. Tuy nhiên, do các hiệu ứng khác khu vực hoạt hóa trên phân tử hemoglobin, liên kết của CO2 làm giảm lượng ôxy được liên kết đối với áp suất thành phần nhất định của ôxy.

Cacbon điôxít có thể là một trong các chất trung gian để tự điều chỉnh việc cung cấp máu theo khu vực. Nếu nồng độ của nó cao thì các mao mạch nở ra để cho nhiều máu hơn đến các mô.

Các ion bicacbonat là chủ yếu trong việc điều chỉnh pH của máu. Do tần suất thở có ảnh hưởng tới mức CO2 trong máu, nên nhịp thở quá chậm hay quá nông sẽ sinh ra hiện tượng nhiễm axít hô hấp,trong khi nhịp thở quá nhanh sinh ra trong các chứng thở quá nhanh sẽ dẫn đến nhiễm kiềm hô hấp.

Một điều thú vị là mặc dù ôxy là chất cần thiết của quá trình trao đổi chất của cơ thể, nhưng không phải nồng độ thấp của ôxy kích thích sự hô hấp mà lại là nồng độ cao của cacbon điôxít. Kết quả là, sự hô hấp trong không khí loãng (áp suất thấp) hay hỗn hợp khí không có ôxy (ví dụ nitơ nguyên chất) dẫn đến sự bất tỉnh mà không cần có các vấn đề về hệ hô hấp của cá thể đó. Nó là đặc biệt nguy hiểm cho các phi công lái máy bay chiến đấu bay ở cao độ lớn, và nó cũng là lý do giải thích tại sao các hướng dẫn tại các máy bay thương mại trong trường hợp sụt áp suất trong khoang thì người ta cần phải sử dụng mặt nạ thở ôxy cho chính mình trước khi giúp người khác—nếu không thì chính người đó sẽ chịu rủi ro bất tỉnh mà không hề được cảnh báo trước về nguy hiểm sắp xảy ra.

Thực vật hấp thụ cacbon điôxít từ khí quyển trong quá trình quang hợp. Cacbon điôxít được thực vật (với năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời) sử dụng để sản xuất ra các chất hữu cơ bằng tổ hợp nó với nước. Các phản ứng này giải phóng ra ôxy tự do. Đôi khi cacbon điôxít được bơm thêm vào các nhà kính để thúc đẩy thực vật phát triển. Thực vật cũng giải phóng ra CO2 trong quá trình hô hấp của nó, nhưng tổng thể thì chúng làm giảm lượng CO2.

Các giới hạn của OSHA cho nồng độ cacbon điôxít tại nơi làm việc là 0,5% cho thời gian dài, tối đa tới 3% cho phơi nhiễm ngắn (tối đa 10 phút). OSHA cho rằng các nồng độ trên 4% là "nguy hiểm ngay lập tức đối với sức khỏe và sự sống". Những người thở không khí chứa trên 5% cacbon điôxít trên 30 phút có các triệu chứng tăng anhiđrít cacbonic máu cấp tính, trong khi việc thở với nồng độ cacbon điôxít từ 7%–10% có thể làm bất tỉnh trong vài phút. Cacbon điôxít, dù là dạng khí hay dạng rắn, chỉ được tiếp xúc trong các môi trường/khu vực thông gió tốt.

Xem thêm: Khí trong máu động mạch.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cacbon điôxít http://www.dryiceinfo.com/science.htm http://www.uigi.com/carbondioxide.html http://www.usatoday.com/weather/news/2004-03-21-co... http://itest.slu.edu/articles/90s/hannan.html http://scifun.chem.wisc.edu/chemweek/CO2/CO2.html http://scifun.chem.wisc.edu/chemweek/CO2/CO2_phase... http://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/summary/summary.cg... http://cdiac.esd.ornl.gov/trends/co2/sio-mlo.htm http://www.grida.no/climate/ipcc_tar/wg1/107.htm#3... http://www.grida.no/climate/ipcc_tar/wg1/fig3-2.ht...